Xử lý nước sạch trong sinh hoạt quy mô gia đình

Hệ thống xử lý nước gia đình cung cấp nguồn nước sạch trong lành, tinh khiết sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống. Việc có một nguồn nước sạch để sử dụng là rất cần thiết, là yếu tố thực để chăm sóc sức khỏe của con người.Tuy nhiên nguồn nước đó hiện nay đang dần cạn kiệt. Nhiều địa phương,người dân phải sử dụng cả nước ao hồ, sông suối và nước nhiễm bẩn, ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng sức khỏe của người dân. 
Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn trong sử dụng nguồn nước chúng tôi giới thiệu mô hình xử lý nước sạch đến quý khách hàng để mọi người sử dụng có một cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn. Như chúng ta đã biết, tầm ảnh hưởng của nước là rất lớn. Nước là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của con người, động, thực vật và tất cả sinh vật trên trái đất. Nếu không có nước, cuộc sống trên trái đất không tồn tại, con người có thể không ăn trong 15 ngày nhưng không thể không uống nước quá 1 ngày. Đối với nhu cầu chuẩn bị bữa ăn và nước uống hàng ngày của một người chỉ cần 3-10 lít nước là đủ. Nhưng con người cần phải sử dụng một lượng nước nhiều hơn cho mục đích khác như: vệ sinh thân thể, rửa các dụng cụ nấu nướng, giặt quần áo, lau nhà cửa… Tùy thuộc vào khí hậu và loại công việc mà cơ thể con người cần nhiều hay ít nước trong ngày đối với những nhu cầu khác nhau. Một phần nước này có từ thực phẩm. Việc sử dụng nước để nấu nướng là tương đối ổn định. Lượng nước dùng cho các mục đích khác thay đổi rất rộng và chịu ảnh hưởng nhiều tới loại và tính sẵn có của việc cung cấp nước. Những nhân tố ảnh hưởng tới việc sử dụng nước là các tập quán văn hóa, hình mẫu và các tiêu chuẩn sống, tiêu chuẩn dùng nước ở các thành phố lớn là từ 120 – 200 lít nước/người/ngày (mỗi gia đình trung bình có 5 người thì mỗi ngày cần khoảng 600 lít nước cho một hộ gia đình). Quy trình công nghệ xử lý nước hộ gia đình : Đầu tiên nước cấp sẽ được chứa tại bể chứa nước nguồn và được chia làm 3 ngăn, ở đây các cặn bẩn có kích thước lớn sẽ được tách ra khỏi nước thông qua ngăn làm thoáng và ngăn lọc. Để tăng tính linh động về mặt vận hành, bảo trì và tiết giảm chi phí bể chứa nước hiện hữu sẽ được cấu hình thành bể lắng, lọc sơ bộ nguồn nước trước khi cấp vào hệ thống lọc chính. Nước từ bể chứa được bơm qua thiết bị lọc có kích thước lọc 5 micron nhằm loại bỏ các tạp chất có trong nguồn nước với kích thước >5 micron. Sau đó nước bơm qua thiết bị lọc thô và thiết bị nâng pH nhằm loại bỏ phèn và nâng pH trong giới hạn pH = 6.5-8.5, kim loại nặng và tạp chất cặn bẩn có trong nước đồng thời đưa pH của nước về mức trung tính (mức an toàn không gây hai cho sức khỏe con người). Sau đó nước sẽ được dẫn qua thiết bị khử mùi để loại bỏ mùi vị độc hại có trong nước. Qua thời gian dài sử dụng các thiết bị lọc sẽ mất tác dụng và không còn giữ được chức năng lọc. Do đó chế độ xả rửa cần được thực hiện cho từng cột lọc thông qua van 3 cổng đặt ngay tại mỗi cột. Sau các quá trình này nước tiếp tục được đi qua thiết bị lọc tinh đa cấp. Nhằm đảm bảo chất lượng nước đầu ra, tại đây thiết bị lọc được gắn lõi lọc với kích thước 01 micron. Nước sạch sau cùng được tiệt trùng bằng đèn UV loại bỏ hết vi khuẩn và vi sinh vật có hại và được dẫn vào bồn chứa nước sạch. Nước sau lọc chứa vào bồn chứa nước sạch và được phân phối cho hệ thống cấp nước sinh hoạt, có thể gắn thêm máy nước nóng năng lượng mặt trời sau khi lọc để cung cấp nguồn nước nóng cho sinh hoạt tùy vào nhu cầu xử lý nước gia đình của từng hộ. Kỹ thuật lắp đặt các thiết bị xử lý nước hộ gia đình dựa vào thành phần – tính chất của nước và tùy vào tình hình thực tế. Chúng tôi hướng dẫn sơ lược để quý khách hàng có cái nhìn tổng quan hơn.
1. Nước cấp sử dụng có thể dùng nguồn nước giếng hoặc nước cấp nhà máy (Tùy vào nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình). Miệng giếng nên đúc tấm đan bằng bê tông đặt lên trên, mục đích ngăn cho những vật dụng không mong muốn rơi xuống giếng cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng. đồng thời tấm đan nên chừa lỗ để đường ống hút nước của bơm.
2. Bơm cấp nước để đưa nước lên bể chứa. Máy bơm trong nhà phổ biến nhất là máy bơm ly tâm. Trục ngang chạy bằng động cơ điện. Bộ phận chính của bơm ly tâm là bánh xe công tác gồm nhiều bản lá kim loại gắn vào. Khi quay, bánh xe công tác sẽ tạo nên một lực ly tâm cuốn theo nước với tốc độ lớn. Đồng thời nén chặt nước tạo ra áp lực cần thiết để vận chuyển nước trong đường ống.  Máy bơm được trang bị các thiết bị như van, khóa trên ống hút, ống đẩy, thiết bị mồi nước, áp lực kế, chân không kế v.v…
 Phương pháp chọn máy bơm: Muốn chọn máy bơm ta dựa vào 2 tiêu chí cơ bản sau:       
  Lưu lượng máy bơm Qb (m3/h hoặc l/s)     
  Áp lực toàn phần của máy bơm Hb (m)
Trong trường hợp sinh hoạt bình thường thì lưu lượng bơm bằng lưu lượng ngày dùng nước lớn nhất: Qb =Q ngày max
Ví dụ: mỗi ngày trong gia đình sử dụng nước cho sinh hoat, tắm rửa giặt đồ, ăn uống,… trung bình là 1.5m3/ngày đêm nhưng có ngày sử dụng nhiều lên đến 2m3/ ngày đêm. Vậy ta nên chọn bơm với lưu lượng 2m3/24h = 0.083m3/h
Bơm thường được bố trí ở gầm cầu thang, sử dụng được diện tích thừa nhưng chật hẹp,khó bố trí, dễ gây ồn, ảnh hưởng đến người sống trong nhà.
Ta có thể chống ồn bằng cách: Đặt máy bơm trên nền cát. Dùng tấm đệm đàn hồi (cao su, lò xo, gỗ mềm) đặt dưới bệ máy bơm. Dùng ống mềm (cao su) nối với đầu ống hút và ống đẩy của máy bơm. Trên ống đẩy thì có khóa, van một chiều và áp lực kế. Trên ống hút thì bố trí khóa. Một điều quan trọng là bơm phải được tự động hóa việc đóng mở vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lí, tiết kiệm công, đồng thời bảo đảm cho hệ thống cấp nước làm việc tin cậy hơn. Để giải quyết vấn đề tự động hóa của máy bơm, người ta thường dùng thiết bị sau:
Rơle phao: hoạt động của rơle phao dựa trên nguyên tắc: khi nước đầy két nước, phao nổi lên, rơle sẽ ngắt điện và máy bơm ngừng hoạt động. Khi nước trên bồn cạn gần tới đáy, phao hạ xuống, rơle sẽ đóng điện và tự động mở máy bơm. Van phao: hoạt động tương tự rơle phao. Lưỡi gà và đệm trong van phao mở hoặc đóng là nhờ chuyển động của cam. Cam hoạt động nhờ đòn bẩy gắn với phao bằng đồng, kính hoặc nhựa. Khi Bồn chứa không có nước, phao sẽ bị chìm xuống, van và đệm bị cam kéo ra khỏi mặt tựa, cho phép nước chảy vào bồn nước hoặc bể chứa. Khi mực nước trong bồn tăng, phao và đòn bẩy được nâng lên làm cam chuyển động và từ từ đóng van. Van cứ đóng cho đến khi mực nước trong bồn giảm.
3. Bồn chứa nước: Đối với quy mô gia đình ta thường đặt bể thu nước trên mái nhà hoặc hầm mái. Bồn chứa nước có nhiệm vụ điều hòa nước ngầm chưa xử lí và dự trữ nước đã qua xử lí. Dung tích bồn chứa không được nhỏ hơn 5% lưu lượng nước dùng một ngày đêm (tính cho ngôi nhà). Dung tích nước không nên quá lớn: 1-3m3, vì nếu quá lớn sẽ làm tăng tải trọng của ngôi nhà ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà. Chiều cao đặt bồn chứa nước: Chiều cao đặt bồn chứa nước được xác định trên cơ sở đảm bảo áp lực để tạo ra áp lực tự do đủ để đưa nước từ bồn chứa qua thiết bị xử lí nước hộ gia đình và đưa nước đã xử lí đến các thiết bị vệ sinh bất lợi nhất trong trường hợp dùng nước lớn nhất của ngôi nhà. Như vậy bồn chứa nước phải có đáy đặt cao hơn thiết bị vệ sinh bất lợi nhất. Cấu tạo bồn chứa nước: Trên mặt bằng, bồn chứa nước có dạng hình vuông, tròn, chữ nhật. Bể chứa nước có thể xây bằng gạch, bê tông cốt thép, bằng thép (thép tấm dày 7mm hàn lại), tôn gò, inox v.v…. Dùng thép tấm thì nhẹ, dễ lắp ráp nhưng dễ ăn mòn, gỉ. Khi đó cần phải sơn cẩn thận cả hai mặt trong và ngoài bể. Dùng gạch, bê tông cốt thép cần có biện pháp chống rò rỉ nước qua thành và đáy bể. Người ta thường sử dụng bồn inox vì vừa nhẹ, vừa đẹp, khả năng rò rỉ cũng thấp. Đáy bồn chứa nước giếng chưa qua xử lí phải cao hơn thiết bị xử lí nước 2m để tạo áp lực tự do đẩy nước qua thiết bị xử lí nước gia đình. Đáy bồn chứa nước sạch nên đặt cách mái khoảng 0.6m. vừa đủ khoảng cách để dễ sửa chữa bồn khi rò rỉ, vừa tạo một phần áp lực cho các thiết bị vệ sinh tầng trên cùng. Khi đó bồn chứa có thể đặt trên tường xây hoặc dầm đỡ. Bồn chứa được trang bị các loại ống sau: ống dẫn nước lên bồn: trên đường ống có bố trí van một chiều và van phao. Van phao hình cầu, đặt cách nắp bồn một khoảng 0.1-0.2m. ống dẫn nước ra khỏi bồn chứa, trên đường ống có bố trí van một chiều để nước không vào từ đáy bồn và tránh xáo trộn bông cặn trong bồn, ống dẫn nước ra thường đặt cách đáy 0.1m. Ống tràn dùng để xả nước khi van phao hỏng. Mực nước trong bồn không vượt quá giới hạn thiết kế, ống tràn thường đặt cao hơn mức nước trong bồn chứa 0.05m, đường kính ống tràn bằng 1.5-2 lần đường kính ống lên bồn, ống tràn được nối với hệ thống thoát nước mưa. Ống xả cặn có đường kính 40-50mm đặt ở chỗ thấp nhất ở đáy bồn để xả cặn khi tháo xả rửa bồn và thường nối với ống tràn. Trên ống xả có bố trí van đóng mở khi cần thiết. Để tiết kiệm diện tích gia đình và dễ dàng xử lý, ta chọn chiều cao bồn chứa nước H= 0.5m, chiều dài L= 2m, chiều rộng của bồn chứa nước B=1m. 4. Thiết bị lọc: Người ta thường dùng thiết bị lọc để dễ dàng di chuyển và lắp đặt. Trong tầng lọc của thiết bị, việc loại bỏ các chất bẩn là sự kết hợp các quá trình khác nhau như: lắng đọng, hấp phụ, lọc, hoạt động sinh hóa … Khi Fe(II) chuyển thành hợp chất không tan trong nước thì các chất này sẽ trở thành một phần lớp áo ngoài bọc xung quanh hạt vật liệu lọc. Quy trình nước đi qua thiết bị lọc: Nước từ bồn chứa nước đi qua lớp cát trên cùng, nước đã được lọc sơ các loại bụi bẩn, sinh vật, phèn. Nước sẽ thấm qua lớp than hoạt tính. Lớp than hoạt tính này có tác dụng hấp phụ các chất độc hại, các loại vi sinh vật nguy hiểm và trung hòa các khoáng chất khó hoà tan trong nước. Qua lớp than hoạt tính, nước tiếp tục thấm qua lớp cát lớn, lớp sỏi nhỏ và lớp sỏi lớn nhất để đi ra bể chứa nước sạch. Ống nước đặt dưới lớp sỏi đỡ có khoan lỗ đường kính khoảng 5 mm dọc thân ống, còn đầu ống phía trong được bịt lại. Như vậy, nước sẽ thấm qua các lỗ nhỏ rải đều trên ống chứ không chảy trực tiếp vào đầu ống. Vật liệu lọc và cách sắp xếp: Lớp trên cùng là cát thạch anh (loại kích cỡ khoảng 0.3-0.5 mm). Lớp tiếp theo là lớp than hoạt tính : dùng loại than hạt nhỏ (kích thước khoảng 0.8-1.6 mm).Lớp dưới cùng là sỏi : tạo khoảng trống để thu gom nước đều. Rửa lọc: Phương pháp rửa lọc của bể lọc này là làm thủ công. Do lớp than hoạt tính phía dưới lớp cát và nhẹ hơn cát nên không thể rửa ngược được vì dùng phương pháp rửa ngược sẽ gây nên xáo trộn lớp vật liệu lọc. Sau 3-6 tháng, ta phải bỏ lớp màng vi sinh đóng trên bề mặt lớp cát trên cùng bằng cách: khuấy đều lớp nước mặt (để nước khoảng 2-3 cm), rồi mở van xả phèn phía trên để nước có chứa cặn sẽ bị trôi ra ngoài làm lại một hai lần để nước sạch hoàn toàn. Sau đó ta nạo từ từ lớp cát bên trên đem rửa sạch. Sau 9 tháng đến 12 tháng thì thay toàn bộ cát và than hoạt tính. Để đạt được chất lượng nước tinh khiết,trong sạch hoàn toàn. Nếu gia đình có điều kiện nên sử dụng thêm vật liệu trao đổi ion để loại bỏ các ion tự do trong nước sau khi đã qua bình lọc trên.Vật liệu trao đổi ion là các hạt nhựa không hoà tan, trong cấu trúc phân tử có các gốc bazơ hoặc acid như Na+, H+. Những ion này dễ dàng được thay thế mà không làm thay đổi tính chất vật lí của hạt nhựa. Các ion dương hoặc âm cố định trên các gốc này đẩy ion tự do cùng dấu có trong nứơc. Nước sau khi qua hạt nhựa trao đổi cation sẽ loại được các cation như: Al3+, Ca2+, Mg2+, Cu2+, Pb2+, Fe2+ và các ion kim loại khác. Nước sau khi qua hạt nhựa trao đổi anion sẽ loại đựơc các anion như: Cl–, HCO3–, PO43-, NO3–, SO42-. Lời kết Nướckhông đảm bảo chất lượng ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống sinh hoạt, các công trình,… gây mất cảm giác mỹ quan. Ngoài ra nó còn gây ra nhiều bệnh cho người và ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận. Vì vậy việc tìm ra các giải pháp và công cụ cũng như thiết bị loại bỏ các thành phần xấu có trong nước là điều rất cần thiết. Áp dụng những phương pháp đơn giản, giá thành rẻ nhưng đảm bảo được chất lượng là cái đích mà chúng tôi hướng đến để phục vụ nhu cầu sử dụng nước hiện nay mang lại sự hài lòng nhất định cho quý khách hàng. Vì vậy với công nghệ xử lý nước hộ gia đình đưa ra được áp dụng rộng rãi hiện nay, chúngtôi tin rằng nó sẽ làm giảm chi phí đầu tư ở quy mô hộ gia đình và đồng thời mang lại sự tin cậy trong lòng khách hàng về chất lượng dịch vụ đảm bảo sức khỏe an toàn cho mọi người.